Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL cho ý kiến việc khôi phục tượng thờ, vị trí thờ phụng thần Văn Xương Đế Quân tại di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Sau khi nghiên cứu, Bộ VHTTDL đã thống nhất việc phục chế tượng thờ theo mẫu tượng thần Văn Xương Đế Quân tại đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm. Về vị trí đặt tượng, đề nghị nghiên cứu địa hình thực tế để khôi phục một kiến trúc biệt lập phía đằng sau nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đảm bảo tôn trọng lịch sử.

Văn Xương Đế Quân hay Văn Xương Tinh là vị thần được dân gian lẫn Đạo giáo tôn sùng, là thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân. Trước khi bước vào trường thi, nhiều sĩ tử thành kính cúng bái Văn Xương Đế Quân cầu trí tuệ và gia tăng vận may trong công danh, thi cử. Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy như Trấn Vũ quán lục, Trấn Vũ thành mộng ký, Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long Hà Nội, Đình và đền Hà Nội, dưới đời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Định đi sứ Trung Quốc đem tượng Văn Xương Đế quân về thờ chung với Huyền Thiên Trấn Vũ ở Trấn Vũ quán (tức đền Quán Thánh ngày nay).
Các tư liệu hán nôm tại Đền cũng minh chứng cho việc thờ phụng thần Văn Xương Đế Quân. Tại tấm bia “Trùng tu Trấn Vũ quán bi ký” ghi: “…đã xây cao và mở rộng 4 chỗ gồm chính điện, đình đốt hương, bái đường và gác chuông. Lại làm thêm hai dãy hành lang bên phải và bên trái. Tường mái và cột nhà đều quét sơn mới cả. Lại đặt 4 pho tượng Đại nguyên soái, tượng thần Đương niên hành khiển rồi rước lên thờ ở tiền đường, lại đắp sửa lại tượng thần Văn Xương Đế Quân rồi dời xuống hậu đường để cách xa nơi thờ Long thần…”.
Đến thế kỷ 19, học giả Pháp G.Dumoutier đã mô tả: “…Ngôi chùa phía trong mới làm xong ít lâu nay để thờ thần Văn Xương. Bên trong có đặt 3 ban thờ, trên bày những hộp quý, bên trong đặt bài vị 2 ông quan An Nam đã có công truyền bá ở trong nước việc thờ cúng Văn Xương…”.

Đền Quán Thánh sở hữu hệ thống thơ, đại tự, hoành phi, câu đối, cuốn thư đồ sộ, phong phú về nội dung và hình thức. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về sự quan tâm của mọi lớp người trong xã hội từ vua chúa, hoàng thân quý tộc, các quan lại cao cấp trong triều đến quan lại các địa phương, từ anh học trò nghèo đến những người dân ở xã, phường xung quanh đối với đền Quán Thánh. Tinh hoa văn học các thời đại cũng tập trung ở đây, minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của đạo học tại nơi thờ cúng thần Văn Xương Đế Quân nức tiếng xưa kia.
Ở vùng đất Đế đô Thăng Long xưa, ngôi đền cổ Quán Thánh từng nổi tiếng với hoạt động cầu mộng cử sĩ tử. Một số vị đại khoa của Việt Nam như Lê Quý Đôn, Phạm Công Trứ, Nguyễn Quốc Trịnh, Nguyễn Đảng Đạo…đều từng tới đền Quán Thánh cầu mộng và được thần báo cho những điều ứng nghiệm.

Chủ trương khôi phục tượng thờ và việc phụng thờ thần Văn Xương Đế Quân tại đền Quán Thánh không những thể hiện sự tôn trọng lịch sử, tôn vinh việc học hành khoa cử trong các triều đại phong kiến mà còn khơi dòng cho sự phát triển tiếp nối, thịnh vượng của đạo học; tạo tiền đề tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại.
0 bình luận