Tháp nước Hàng Đậu - công trình kiến trúc cổ hơn 130 năm tuổi ở Hà Nội

Tháp nước Hàng Đậu - công trình kiến trúc cổ hơn 130 năm tuổi ở Hà Nội

Bốt Hàng Đậu ban đầu có tên là Đài Đầu, sau còn được biết đến với nhiều cách gọi khác như Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy nước tròn. Với vẻ đẹp cổ điển đầy quyến rũ, nơi đây đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đến với Hà Nội để khám phá và trải nghiệm.

Bốt Hàng Đậu nằm ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước đây, địa điểm này thuộc thôn Phúc Lâm (tổng Tả Túc, sau đổi thành tổng Phúc Lâm) và thôn Nghĩa Lập (tổng Hậu Túc, sau là tổng Đồng Xuân), thuộc huyện Thọ Xương. Phố chỉ dài tầm 272m, kết nối đường Trần Nhật Duật và Phan Đình Phùng, giao cắt với các con phố khác như Hàng Giấy, Hàng Than, Quán Thánh, Hàng Cót tại bốt Hàng Đậu.

Vào khoảng năm 1984, dịch bệnh lây lan ở Hà Nội, làm gia tăng nhu cầu về nước sạch. Vì vậy, Ủy ban nước sạch được thành lập và các nhà máy nước được khẩn trương xây dựng. Tháp nước Hàng Đậu được đưa vào hoạt động với nhiệm vụ cung cấp nước ngọt cho người dân. 

Do có kiến trúc lớn và từng được binh lính Pháp canh giữ, nhiều người dân đã gọi nơi đây là Bốt Hàng Đậu. Trong khi đó, quân thực dân lại gọi đây là Đài Đầu vì tháp nằm ở đoạn đầu thành phố, thuận tiện để cấp thẳng nước cho khu vực đóng quân trong thành Thăng Long. 

Bên cạnh đó, tháp nước Bốt Hàng Đậu còn phân phối nước đều đặn về các khu phố giữa Thủ đô và được điều khiển, khống chế thông qua các van hãm lớn. Với khu vực có nhiều người Pháp, van không bao giờ đóng, trong khi đường nước về khu vực của người Việt thường bị giới hạn.

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Tháp nước Hàng Đậu đã trải qua không ít những biến cố. Đây là nơi đã chứng kiến sự thay đổi của nhiều thời kỳ, từ cảnh đón đoàn quân giải phóng qua cầu Long Biên đến cảnh tiễn tên lính cuối cùng xuống tàu Hải Phòng về Marseille. 

Hiện nay, tháp nước đã không còn chức năng cấp nước cho người dân. Thế nhưng Bốt Hàng Đậu vẫn còn tồn tại như một di tích lịch sử, một biểu tượng của sự độc lập, tự do và giải phóng. Tháp nước Hàng Đậu sẽ mãi được ghi nhớ trong trái tim người dân Hà Nội như một ký ức về một thời đã qua, một thời khó khăn nhưng vô cùng rực rỡ và đầy hy vọng.

Bốt hàng Đậu có hình trụ tròn với đường kính khoảng 19m và tường cao hơn 20m, nếu tính cả nóc thì cao đến 25m, với mái lợp tôn hình chóp nón, trên đỉnh gắn cột thu lôi. Tòa nhà bao gồm 3 tầng, tổng cộng có 54 ô cửa hẹp và cao như lỗ châu mai, được trang trí bởi các khối hình vòm cung và họa tiết uốn cong mềm mại để tránh gây cảm giác nặng nề. Tuy nhiên 17 ô nằm ở tầng 1 đã bị bít kín lại nhằm tránh tình trạng có người vứt rác vào trong bốt. 

Bốt hàng Đậu sở hữu nét đẹp cổ điển và độc đáo đầy ấn tượng, mang đến background check in tuyệt vời cho người dân Hà thành lẫn du khách. Bất kể thời điểm nào trong năm, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm bạn đang tập trung ở đây để tạo dáng và chụp ảnh, nhất là vào cuối tháng 3, mùa thay lá của cây hoa lộc vừng được trồng ở trước tháp nước. 

Những sắc vàng rực rỡ đã góp phần khiến Bốt Hàng Đậu trở nên sống động, tươi mới hơn. 

Có thể nói, khung cảnh lãng mạn như trong phim Hàn Quốc của Bốt Hàng Đậu đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia, những người đam mê nhiếp ảnh và những bạn trẻ thích sống ảo. Nếu bạn muốn có được bức ảnh đẹp, hãy đi vào những ngày đầu của mùa thay lá, thường chỉ kéo dài khoảng hai tuần, sau đó những chiếc lá vàng sẽ rơi và được thay thế bằng những mầm non xanh tươi mơn mởn.

Về đêm, tháp nước hàng Đậu cũng có vẻ đẹp riêng, trầm lắng hơn so với ban ngày. Ánh sáng đèn đường, biển hiệu cùng với những chiếc xe trên đường họa lên những mảng màu tối trên bức tường đá của công trình, tạo nên một cảm giác huyền bí khó diễn tả.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Cổng thông tin du lịch Quận Ba Đình cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

024.37625069
P 409, số 25 Liễu Giai - Phường Liễu Giai - Quận Ba Đình - Hà Nội.

IZOMI