Chùa Hòe Nhai (hay còn gọi là chùa Hồng Phúc) tọa lạc tại số 19 Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa lớn nhất kinh đô Thăng Long xưa, tương truyền có từ đời nhà Lý.
Theo văn bia năm Chính Hòa thứ 24 (năm 1703), vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, nhưng chùa Hồng Phúc đã bị chiến tranh tàn phá, mãi đến cuối thế kỷ XVII, có bà bảo mẫu của vua Lê Hy Tông quê ở phường này đứng ra xây dựng lại, rồi mời Hòa thượng Thủy Nguyệt - Vị tổ thứ nhất của phái Tào động đến trụ trì. Chùa được coi là chốn Tổ đình của Phật giáo miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung kể từ thế kỷ XVII.
Chùa có diện tích khoảng 3.000m2, cửa nhìn ra hướng Tây, ngoài cùng là Tam quan kiểu hoa biểu bốn trụ, đây là điển hình của kiến trúc thời Nguyễn. Trong sân chùa có hai tháp cao 3 tầng tưởng niệm các nhà sư đã viên tịch và chếch về góc trái trước chùa có tháp Ấn Quang mới xây năm 1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn nhằm tố cáo tội ác của chế độ Mỹ - Ngụy đàn áp Phật giáo.
Ngôi chùa là nơi xuất thân của hai vị Quốc sư, năm vị Tăng thống và Pháp chủ. Chùa ghi dấu của đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại nhà Tổ của chùa đã diễn ra cuộc họp của các tăng ni Phật tử thủ đô để cử một đoàn đại biểu đến yết kiến chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi thành lập Hội Phật giáo cứu quốc và Hòa thượng Thích Đức Nhuận - Pháp chủ Hội Phật giáo Việt Nam cũng từng trụ trì tại chùa này.
Ngoài ra, chùa còn nổi tiếng với nhiều tượng cổ, trong đó có pho tượng "vua cõng phật" độc nhất vô nhị về cả kiến trúc và lịch sử tạo tác. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của bức tượng bắt nguồn từ thời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716), vị vua thứ 10 của nhà Lê trung hưng. Năm 1678, vua thi hành chính sách chống Phật giáo rất hà khắc, khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh. Thiền sư Chân Dung Tông Diễn, Tổ thứ hai của thiền phái Tào Động Việt Nam, thấy vậy đã dâng lên vua một chiếc hộp nói là ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại. Tương truyền sau khi đọc xong, nhà vua chợt bừng tỉnh, lập tức cho mời nhà sư vào triều để cúi mình tạ lỗi, thu hồi lại sắc lệnh cấm Phật giáo. Có lẽ xuất phát từ câu chuyện trên mà người đời sau tạc nên bức tượng một vị quốc vương trong tư thế phủ phục, để Phật ngồi trên lưng, đặt ở chùa. Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo.
Chùa Hoè Nhai được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 21/1/1989. Chùa là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, vào các dịp đầu xuân năm mới, chuyên trì kinh Dược Sư, cầu bình an tới chúng sinh, ngày lễ Phật Đản, ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân, tại chùa có tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo trang trọng, linh thiêng thu hút hàng nghìn lượt khách đến lễ Phật, thăm quan và chiêm ngưỡng
Xem thêm video Lễ rước phật tại chùa Hòe Nhai: Tại đây
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn